Tin Mới

Mỹ điều chiến hạm USS thách thức Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa

Mỹ điều chiến hạm USS thách thức Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa

Hải quân Mỹ ngày 28/5 điều tàu khu trục USS Mustin di chuyển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Hải quân Mỹ một lần nữa thách thức các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 28/5 khi đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Mustin đến gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

                                  Tàu USS Mustin (DDG 89) của Mỹ. Ảnh: Hạm đội 7.

“Hôm 28/5, tàu USS Mustin (DDG 89) đã thực thi quyền tự do lưu thông ở quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế”, phát ngôn viên Hạm đội 7 Anthony Junco cho biết trong thông cáo, theo CNN.

Tàu USS Mustin đi vào khu vực 12 hải lý của đảo Phú Lâm và đảo Đá Tháp ở Hoàng Sa, một quan chức Hải quân Mỹ cho biết.
Theo CNN, Hải quân Mỹ đã hai lần đưa tàu chiến tới trong một nỗ lực tương tự để thách thức các yêu sách phi pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong tháng trước, cũng như thực hiện một chiến dịch như vậy ở Hoàng Sa vào tháng 3.

Lầu Năm Góc gần đây tiết lộ rằng một tàu Trung Quốc vào ngày 14/4 đã tiến hành “hoạt động không an toàn và không chuyên nghiệp” gần tàu Mustin “đang tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế” tại thời điểm xảy ra sự cố, theo trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc.

Trong một cuộc trao đổi trực tuyến với báo giới do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức hôm 27/5, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã nêu rõ thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ ở Biển Đông là quyết liệt hơn.
Nữ chuyên gia đánh gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, thông điệp chính của Mỹ là tự do hàng hải, hàng không, phù hợp luật pháp quốc tế, cũng như mọi nơi trên thế giới. Nhưng dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ nhấn mạnh việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển, trong đó có quyền khai thác dầu khí và đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cách bờ 200 hải lý.

“Mỹ không chỉ giúp tăng cường năng lực để các nước thực hiện những quyền đó, mà còn lên tiếng ủng hộ và gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng các nước cần phải được thực hiện quyền hợp pháp của mình”, bà Glaser nói.

Theo Zing News