Tin Mới

Cô gái tử vong oan nghiệt dưới 22 nhát dao của người tình mù quáng

Cô gái tử vong oan nghiệt dưới 22 nhát dao của người tình mù quáng

Cuộc đời chàng trai trẻ gắn liền với hai mối tình và cả hai mối tình đều đưa Sơn đến bước đường lầm lỗi...

“Con dại cái mang, tôi không trách cháu S. vì cháu không có lỗi. Yêu hay không yêu là chuyện tình cảm từ trái tim, không thể bắt ép được.

Lỗi là do Sơn quá yêu, quẫn trí khi bị từ chối. Nghe tin con gây ra chuyện tày đình, tôi giận mình không ngăn được hành vi của con.


                         Người cha viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho đứa con lỗi lầm.

Tôi và anh em trong họ tức tốc ra Quảng Nam, gặp cha mẹ S. Tôi xin lỗi họ và xin được đứng ra lo tang ma. Cha mẹ S. thật là người nhân nghĩa, đạo đức, họ không trách tôi và Sơn. Họ cũng không nhận tiền bồi thường hay lo tang ma gì cả”, cha thủ phạm nói.

Trong khi đó cha mẹ nạn nhân có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Sơn. Trong đơn viết: “Chúng tôi rất đau khổ khi mất con.

Nhưng xét về lương tâm, đạo đức và tình người, chúng tôi thấy gia đình Sơn đau khổ không kém. Con thì phạm tội, mẹ vừa mới mất, nhà có hai ông bà ngoài 90 tuổi.

Thời gian trôi qua, nỗi đau của chúng tôi sẽ dần nguôi ngoai vậy nên chúng tôi viết đơn xin giảm án cho Sơn từ tử hình xuống chung thân”.

Mù quáng vì yêu

Hẹn mãi, PV mới gặp được ông Phạm Văn Bảy – cha bị cáo Phạm Ngọc Sơn (SN 1992, quê Đắk Lắk), người vừa bị TAND TP HCM tuyên án tử hình về tội “giết người” vào ngày 22/12/2017.

Giọng ông Bảy yếu ớt vì trong một tháng phải nhận lấy hai cái tin khủng khiếp từ hai người thân yêu nhất. Vợ ông vừa qua đời vào tháng 11/2017 vì tai nạn giao thông.

Đến nay con ông lại nhận bản án tử. Cuộc đời chàng trai trẻ gắn liền với hai mối tình và cả hai mối tình đều đưa Sơn đến bước đường lầm lỗi. Mối tình đầu khiến Sơn phải bỏ giảng đường đại học. Mối tình thứ hai khiến Sơn phải đi vào con đường phạm tội.

Giọng vẫn run run, ông Bảy dường như chưa trấn tĩnh được khi có người hỏi về đứa con lầm lỗi. Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, tuổi thơ Sơn vừa học, vừa lam lũ với rẫy cafe, vườn trái cây. Ông Bảy là giáo viên, dạy dỗ con ngay từ nhỏ, Sơn từng là học sinh ngoan hiền, học khá.

Năm 18 tuổi, Sơn đậu một trường Đại học Công nghệ. Tại đây, Sơn có mối tình đầu với một cô gái nhưng rồi tình yêu không kéo dài được bao lâu. Buồn vì yêu, vì níu kéo không thành, Sơn bỏ học khi đang là sinh viên năm hai.

Sơn về Đắk Lắk tiếp tục cuộc sống với rẫy cafe, phụ giúp gia đình để quên đi mối tình đầu. Thấy con bỏ học, sợ sau này không nghề nghiệp sẽ khổ, ông Bảy xin cho Sơn đi nghĩa vụ quân sự. Sơn đóng quân ở Đà Nẵng, thuộc một tiểu đoàn đặc công.

Một thời gian rèn luyện làm tiểu đội trưởng, anh bộ đội nhận nhiệm vụ chuyên huấn luyện cho tân binh mới nhập ngũ.

Trong tiểu đội Sơn nhận huấn luyện, có cậu lính mới nhập ngũ quê Quảng Nam. Một hôm chàng lính mới thủ thỉ với Sơn: “Em có người dì họ, học lớp 12, nhà ở thị xã Điện Bàn, dễ thương lắm, bữa nào nghỉ phép, em đưa anh đi coi mắt. Được thì quen luôn”.

Người con gái ấy là Nguyễn Thị Thùy S. (SN 1999). Ai ngờ chuyện tưởng như đùa thành hiện thực, Sơn và S. yêu nhau.

Đó là khoảng đầu năm 2016. Ngày nghỉ, Sơn hay về nhà người yêu chơi và được gia đình nhà người yêu đón tiếp, xem như người trong nhà.

“Trong lúc yêu có những chuyện không hay xảy ra. Hai đứa nó có cãi nhau. Chung quy cũng tại tính thằng Sơn, yêu nhưng ích kỷ, muốn sở hữu người yêu như vật trong túi. Cháu S. chỉ mới lớn, không chịu được cái quản lý gò bó nên đòi chia tay”, ông Bảy nói.

Giữa năm 2016, Sơn xuất ngũ về Đắk Lắk trong nỗi nhớ người yêu. Sơn không xa được S. nhiều ngày, liền xin cha ra Đà Nẵng học nghề lái xe. Học ở Đà Nẵng nhưng Sơn xin ăn ở nhà người yêu cách xa khoảng 20km.

Theo lời ông Bảy, cha mẹ S. đồng ý và xem Sơn như người thân trong gia đình. Còn Sương dường như không muốn tiếp tục tình yêu với Sơn nữa.

Vì thế cặp đôi xảy ra mâu thuẫn. Có lẽ không níu kéo được tình yêu của Sương, hai lần cãi nhau là hai lần Sơn tự vẫn. Lần thứ nhất vào tháng 10 âm lịch năm 2016 (tức khoảng tháng 11/2016), Sơn uống xăng nhưng được đưa đi cấp cứu kịp thời.

Sau lần cãi nhau này, cô gái bỏ vào Sài Gòn sống chung với chị gái buôn bán quần áo. Trong thời gian S. ở Sài Gòn, hai bên vẫn thường xuyên nhắn tin nói chuyện.

Chàng trai thì vẫn qua lại nhà người yêu. Ngày 24/12 âm lịch năm 2016 (khoảng cuối tháng 1/2017), Sơn bảo cha ra Quảng Nam, gặp mặt nói chuyện với cha m ẹ S. về chuyện hôn nhân. Ông Bảy cùng người trong họ đến nhà “con dâu tương lai”.

Dù cô gái không có mặt ở nhà nhưng cha mẹ S.  vẫn tiếp đón nồng hậu. Ông Bảy nói: “Tôi ra đó, trước mắt là cảm ơn gia đình đã cưu mang Sơn trong thời gian cháu học ở đó. Thứ hai là nói chuyện tình yêu của Sơn và Sương. Gia đình cháu S. rất quý mến Sơn, xem như con cháu trong nhà”.

Sơn xin ở lại nhà “cha mẹ vợ tương lai” để ăn tết. Ấy vậy rồi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, ngày 29/12 âm lịch năm 2016, Sơn tiếp tục uống thuốc cỏ tự tử. Lần này, chính mẹ Sương là người đưa Sơn đi cấp cứu.

Nghe tin con dại dột, ông Bảy đi liền xuống Đà Nẵng, khuyên can đủ điều, ông nói tình yêu không níu được, không yêu người này thì sẽ có người khác, tại sao Sơn lại cố chấp như vậy. Nhưng Sơn bảo nếu thiếu Sương đời Sơn không còn gì để mất.

Sáng ngày 30/12 âm lịch năm 2016, Sơn bắt xe cho ông Bảy về Đắk Lắk, phần Sơn mua vé máy bay vào thẳng Sài Gòn. Sơn đến nhà chị của người yêu xin gặp nhưng bị ngăn cản. Được nhiều người khuyên bảo, Sơn quay về Đắk Lắk.


                                                    Bị cáo Sơn tại phiên tòa sơ thẩm.


Đòi nhảy cầu sau khi gây án


Những tưởng Sơn quên được S., bắt đầu lại cuộc sống mới nhưng không ngờ lửa yêu trong Sơn chưa bao giờ tắt. Tháng 3/2017, Sơn xuống Sài Gòn làm nghề lái xe ở quận 7. Được hai ngày, Sơn xin nghỉ và đi tìm S.

Ngày 27/3/2017, Sơn gọi điện cho ông Bảy nói rằng: “Bố ơi. Bố mẹ cả đời làm việc nuôi con nhưng con sẽ bất hiếu với bố mẹ rồi”.

Nói xong, Sơn cúp máy, ông Bảy gọi lại và nhờ người đi tìm Sơn nhưng không được. Đến khoảng 18h chiều cùng ngày, ông Bảy lại nhận được điện thoại của Sơn với nội dung: “Con hại S. rồi bố ơi. Giờ con chưa biết S. sống chết ra sao. Con đang trên cầu Bình Triệu (quận Thủ Đức, TP HCM), nếu S. chết thì con sẽ nhảy cầu tự tử”.

Ông Bảy nói: “Tôi nghe là đứng tim luôn. Tôi biết chuyện không lành nên gọi cho mẹ S. Mẹ S. nói thằng Sơn đâm con S. chết rồi.

Từ đó, cứ vài ba phút, Sơn lại gọi hỏi tôi S. chết chưa để Sơn nhảy cầu nhưng tôi khuyên can Sơn nên ra đầu thú. Nửa đêm hôm đó, Sơn gọi điện bảo với tôi là sẽ ra đầu thú vào sáng sớm hôm sau”.

Theo hồ sơ, sáng 27/3/2017, Sơn đến Nhà Bè xin gặp nhưng Sương né tránh. Đến chiều Sơn quay lại phòng trọ thuyết phục S. tiếp tục quan hệ tình cảm nhưng S. từ chối và dẫn đến cãi nhau. Sơn tức tối chạy đi mua một con dao giấu trong người.

Một tiếng sau, Sơn quay lại và níu kéo người yêu lần nữa. S. vẫn từ chối và bảo đừng làm phiền rồi bỏ đi lên lầu. Sơn kéo S. lại, đâm 22 nhát dao vào người khiến nạn nhân ngã gục tại chỗ và tử vong trước khi nhập viện.

“Con dại cái mang, tôi không trách cháu S. vì cháu không có lỗi. Yêu hay không yêu là chuyện tình cảm từ trái tim, không thể bắt ép được.

Lỗi là do Sơn quá yêu, quẫn trí khi bị từ chối. Nghe tin con gây ra chuyện tày đình, tôi giận mình không ngăn được hành vi của con. Tôi và anh em trong họ tức tốc ra Quảng Nam, gặp cha mẹ S. Tôi xin lỗi họ và xin được đứng ra lo tang ma.

Cha mẹ Sương thật là người nhân nghĩa, đạo đức, họ không trách tôi và Sơn. Họ cũng không nhận tiền bồi thường hay lo tang ma gì cả”, ông Bảy nói.

Xuôi ngược khắp nơi, mong tìm được những tình tiết giảm nhẹ, cho Sơn thoát khỏi án tử nhưng rồi phiên tòa sơ thẩm ngày 22/12/2017, Sơn bị tuyên tử hình bởi hành vi quá dã man, đâm nạn nhân tới 22 nhát.

Dù phía gia đình S. có đơn xin giảm nhẹ nhưng không đủ để Sơn giảm xuống chung thân. Mới đây, cha mẹ S. tiếp tục có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho Sơn.

Trong đơn viết: “Chúng tôi rất đau khổ khi mất con. Nhưng xét về lương tâm, đạo đức và tình người, chúng tôi thấy gia đình Sơn đau khổ không kém. Con thì phạm tội, mẹ vừa mới mất, nhà có hai ông bà ngoài 90 tuổi.

Thời gian trôi qua, nỗi đau của chúng tôi sẽ dần nguôi ngoai vậy nên chúng tôi viết đơn xin giảm án cho Sơn từ tử hình xuống chung thân”.

Ông Bảy bảo Sơn sai, sai rất nhiều nhưng là người cha, dù có phải ngược xuôi, khổ ải đến mức nào, ông cũng tìm cách cho Sơn được sống, dù là sống cả đời trong tù. Còn nước thì còn tát, ông hi vọng tòa cấp cao sẽ lượng hình tuyên phạt Sơn phù hợp với tình cảnh.

“Vợ tôi mất rồi, giờ mất thêm con nữa. Tôi không hình dung ra được cuộc sống về sau sẽ ra sao. Tôi chỉ mong Sơn được sống.

Dù chân tôi có mỏi cũng không chùn. Dù phải đi khắp nơi, ra tận Hà Nội, tôi vẫn sẽ đi. Gần 1 năm qua, tôi hết ngược về Quảng Nam rồi vào Sài Gòn không biết bao nhiêu lần”, ông Bảy chia sẻ.

Nguồn : http://binhthuan.tintuc.vn/phap-luat/co-gai-tu-vong-oan-nghiet-duoi-22-nhat-dao-cua-nguoi-tinh-mu-quang.html